Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS. Bùi Việt Anh – Trưởng phòng Tế bào gốc và Tế bào miễn dịch, Viện Nghiên cứu Tế Bào Gốc và Công nghệ Gen Vinmec.
Liệu pháp tăng cường miễn dịch tự thân, nhiệt trị thường không đứng riêng một mình. Các phương pháp này hỗ trợ và gia tăng hiệu quả của các trị liệu ung thư truyền thống như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật khi được áp dụng đúng cách dựa trên các nghiên cứu y học đã được chứng minh và công bố.
Tăng thời gian sống cho bệnh nhân ung thư tụy có di căn
Điều trị ung thư đã di căn là một thử thách rất lớn – nhất là khi đã không còn nhạy với các loại hóa trị. Bởi vì khi đó, khả năng tiêu diệt tế bào ung thư không còn nhiều hy vọng. Tại Trung tâm Tokyo Clinic – một trong những địa chỉ đầu ngành tại Nhật Bản chuyên về điều trị miễn dịch, việc phối hợp liệu pháp miễn dịch tự thân và nhiệt trị với hóa trị và xạ trị đã đem lại các kết quả khả quan.
Thông thường, thời gian sống của bệnh nhân ung thư tuyến tụy giai đoạn IV điều trị theo phác đồ tiêu chuẩn trung bình là 7,5 tháng. Tỉ lệ sống được thêm 1 năm dưới 20%. Tuy nhiên, khi được điều trị bằng bộ 3 kết hợp nhiệt trị, hóa trị liệu và liệu pháp miễn dịch tự thân với tế bào NK (có thể kết hợp thêm tế bào tua DC), thời gian sống trung bình của bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn IV tại Tokyo Clinic là 13 tháng và tỷ lệ sống được thêm 1 năm đã tăng lên trên 50%.
Như một trường hợp cụ thể, bệnh nhân nam 85 tuổi bị ung thư tuyến tụy và có di căn nhiều chỗ ở gan. Ông được hóa trị với 600 mg gemcitabine mỗi 2 tuần, kèm theo nhiệt trị 1 tuần/lần kết hợp với liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân (tế bào NK và tế bào tua DC) 5 lần trong 10 tuần. Sau 3 tháng điều trị, khối ung thư tuyến tụy của ông đã co lại và các chỗ di căn trên gan cũng biến mất.
Kết hợp với hóa trị, xạ trị làm tăng hiệu quả điều trị điều trị trong ung thư phổi
Bên cạnh liệu pháp miễn dịch bằng thuốc đang trở nên nổi tiếng (giải Nobel Y học 2018) và ngày càng phổ biến, liệu pháp miễn dịch bằng tế bào cũng đã được ứng dụng trong điều trị bệnh lý ung thư phổ biến nhất – ung thư phổi.
Trên lý thuyết, khi hóa trị hay xạ trị làm phá hủy một phần khối bướu, các tế bào miễn dịch sẽ có điều kiện tấn công mạnh mẽ hơn vào các vị trị bị ung thư trong cơ thể.
Nhóm nghiên cứu về ung thư phổi tại Nhật Bản đứng đầu là tác giả Iwai đã theo dõi trên 547 bệnh nhân giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV) được điều trị đơn thuần bằng hóa trị, kết hợp hóa – xạ trị, kết hợp cả hóa trị – xạ trị và miễn dịch. Kết quả cho thấy rõ ràng liệu pháp kết hợp hóa – xạ – miễn dịch mang lại hiệu quả về thời gian sống cao nhất, với tác dụng phụ tương đương khi kết hợp hóa – xạ trị.
Kết hợp liệu pháp miễn dịch tế bào với phẫu thuật ung thư giai đoạn sớm
Liệu pháp miễn dịch tế bào cũng có thể sử dụng kết hợp cho người bệnh sau phẫu thuật ung thư. Khả năng miễn dịch của con người đã được chứng minh là suy giảm sau phẫu thuật và không tăng lên trong nhiều tuần sau mổ. Chính sự suy giảm đó có thể tăng nguy cơ tái phát hoặc di căn hoặc tái phát. Do đó, liệu pháp miễn dịch tế bào đã được sử dụng sau mổ để làm tăng khả năng thành công của điều trị.
Một nghiên cứu nổi tiếng của tác giả Takayama đăng trên tạp chí Lancet (năm 2000) cho thấy hiệu quả của liệu pháp miễn dịch tế bào sau phẫu thuật ung thư gan. Bằng cách tiêm truyền tế bào miễn dịch 6 lần sau phẫu thuật cắt u gan, các bệnh nhân có thể kéo dài thời gian đến khi bệnh tái phát lại lên đến 2,5 năm so với khoảng 1,5 năm ở những người không sử dụng tế bào miễn dịch.
Có thể giúp giảm khả năng mắc ung thư?
Ngoài việc phối hợp trong điều trị bệnh, một khả năng ứng dụng liệu pháp tăng cường miễn dịch tự thân trên thực tế là để giảm khả năng phát sinh bệnh ung thư.
Một nghiên cứu ở Nhật Bản đã theo dõi sức khỏe của 3.625 người khỏe mạnh đã sử dụng liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân với tế bào NK và tế bào T suốt 11 năm. Khi khả năng hoạt động của các tế bào NK giảm, nguy cơ mắc ung thư ở người trưởng thành sẽ tăng lên. Tỷ lệ mắc ung thư ở những người có tế bào NK hoạt động ít hiệu quả tăng gấp 1,7 lần so với những người có hiệu quả có tế bào NK hoạt động ở mức độ trung bình hoặc cao. Nghiên cứu cũng cho thấy miễn dịch ở các bệnh nhân ung thư vú, cả nguyên phát và tái phát đều thấp hơn khả năng miễn dịch ở những người khỏe mạnh.
Đối với người trên 50 tuổi, tế bào NK giảm đáng kể khả năng hoạt động đồng thời với việc gia tăng khả năng hình thành bệnh ung thư. Các nghiên cứu cho thấy khả năng hoạt động của tế bào NK có thể tăng lên khoảng 20% sau mỗi đợt điều trị tăng cường miễn dịch tự thân. Mức tăng này có thể giúp hoạt tính của tế bào NK ở một người 67 tuổi tương đương với một người 25 tuổi. Nói cách khác, hiệu quả của liệu pháp tăng cường miễn dịch tự thân có thể trẻ hóa tuổi miễn dịch của cơ thể.
Tóm lại, ngày càng có nhiều tiến bộ mới trong y học được áp dụng vào thực tế nhằm nâng cao sức khỏe cho con người cũng như tăng cao hơn hiệu quả điều trị bệnh. Việc tiếp cận với các liệu pháp hiện đại ngày càng trở nên phổ biến và dễ dàng hơn cho người dân Việt Nam.
Vinmec vừa trở thành bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam triển khai liệu pháp điều trị ung thư hiện đại là miễn dịch tự thân và nhiệt trị. Từ năm 2015, bắt đầu triển khai nghiên cứu áp dụng liệu pháp miễn dịch tự thân với tế bào NK và tế bào NK T với nhiều kết quả khả quan. Tháng 10/2018, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã được Bộ Y tế cho phép chính thức áp dụng liệu pháp này kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư truyền thống khác.