Sức khỏe thường thức

Cấy ghép tế bào gốc là gì?

Hóa trị liều cao hoặc xạ trị được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư máu nhưng cũng sẽ giết chết tủy xương khỏe mạnh. Vì thế, phương pháp cấy ghép tế bào gốc có thể được chỉ định để giúp tủy xương khôi phục khả năng sản xuất tế bào máu. Trong một số trường hợp, liệu pháp thay thế tế bào gốc có thể chữa khỏi bệnh ung thư. Vậy cấy ghép tế bào gốc là gì?

1. Tế bào gốc là gì và có nguồn gốc từ đâu?

Cơ thể con người được tạo thành từ nhiều loại tế bào. Thông thường, mỗi loại tế bào được chuyên môn hóa để cấu thành các bộ phận khác nhau và thực hiện các chức năng cụ thể. Tế bào gốc là một tế bào có khả năng phát triển thành các loại tế bào chuyên biệt trong cơ thể. Trong cơ thể hay phòng thí nghiệm với điều kiện thích hợp, các tế bào gốc phân chia để tạo thành nhiều tế bào gọi là tế bào con. Các tế bào con này hoặc trở thành tế bào gốc mới hoặc trở thành tế bào chuyên biệt với chức năng cụ thể hơn (ví dụ: tế bào não, tế bào cơ tim, tế bào máu, tế bào xương…).

1.1. Tế bào gốc có nguồn gốc từ đâu?

Tế bào gốc có thể đến từ một số vị trí trong cơ thể như tủy xương, máu. Tế bào gốc được cấy ghép có thể là các tế bào của chính bệnh nhân hoặc các tế bào từ một người hiến tặng.

1.2. Có những loại tế bào gốc nào?

Có thể phân chia tế bào gốc theo nguồn gốc như sau:

  • Tế bào gốc phôi: Phôi được sử dụng trong nghiên cứu tế bào gốc là phôi do trứng được thụ tinh trong ống nghiệm và không được cấy ghép vào tử cung của phụ nữ. Phôi tạo thành do người hiến tặng cho phép sử dụng để lấy tế bào gốc. Các tế bào gốc phôi có thể tồn tại phát triển trong những môi trường đặc biệt trong phòng thí nghiệm. Những tế bào gốc này được lấy từ phôi đã đủ 3-5 ngày tuổi, một phôi có khoảng 150 tế bào. Những tế bào này có thể phân chia thành nhiều tế bào gốc mới hay có thể biệt hóa thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể, do đó chúng được gọi là tế bào gốc đa năng. Tế bào gốc phôi được dùng để tái tạo hoặc sửa chữa các mô và cơ quan bị bệnh.
  • Tế bào gốc trưởng thành: Những tế bào này có trong hầu hết các mô trưởng thành với số lượng nhỏ. Tế bào gốc trưởng thành hạn chế hơn trong khả năng tạo ra các tế bào khác nhau của cơ thể. Cho tới gần đây, các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng, tế bào gốc trưởng thành chỉ có thể tạo ra các loại tế bào tương tự nó. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng mới hơn cho thấy rằng các tế bào gốc trưởng thành có thể tạo ra nhiều loại tế bào khác nhau. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn đầu để kiểm tra tính hữu ích và an toàn ở người. Cụ thể, các tế bào gốc trưởng thành hiện đang được thử nghiệm ở những người mắc bệnh thần kinh hoặc tim.
  • Tế bào gốc thai: tế bào gốc có trong nước ối hay máu cuống rốn của trẻ sơ sinh. Những tế bào gốc này cũng có khả năng tạo ra các tế bào mới với các chức năng chuyên biệt. Một số gia đình gửi ngân hàng máu cuống rốn để đứa trẻ đó hoặc anh chị em của họ sử dụng trong tương lai. Các gia đình có thể hiến máu cuống rốn cho ngân hàng máu cuống rốn và chúng có thể được sử dụng cho những bệnh nhân không tìm được người thân trong gia đình của mình.

2. Tại sao cần cấy ghép tế bào gốc?

Hóa trị liều cao hoặc xạ trị được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư máu nhưng cũng sẽ giết chết tủy xương khỏe mạnh. Vậy nên, bác sĩ có thể chỉ định cấy ghép tế bào gốc để giúp tủy xương khôi phục khả năng sản xuất tế bào máu. Trong một số trường hợp, liệu pháp thay thế tế bào gốc có thể chữa khỏi bệnh ung thư.

Điều trị ung thư máu thường bắt đầu bằng phương pháp hóa trị liệu, một mình hoặc với các loại thuốc và phương pháp điều trị khác. Cấy ghép tế bào gốc rất tốn kém, rủi ro và thường được khuyến khích khi hóa trị liệu thất bại. Tuy nhiên, một số trung tâm ung thư đang thử nghiệm cấy ghép tế bào gốc như một phương pháp ưu tiên điều trị ban đầu.

3. Ghép tế bào gốc điều trị những bệnh nào?

Ghép tế bào gốc của chính bệnh nhân ứng dụng trong điều trị các bệnh ác tính: Đa u tủy xương, U lympho Hodgkin & không Hodgkin, Lơ-xê-mi cấp tiền tủy bào….

Ghép tế bào gốc của người hiến tặng trong điều trị các bệnh ác tính: U lympho Hodgkin & không Hodgkin, Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt, Lơ-xê-mi cấp dòng tủy và lympho, Hội chứng rối loạn sinh tủy; Bệnh lành tính: Suy tủy xương, Thiếu máu Fanconi, Thalassemia, Thiếu máu Diamond-Blackfan, Đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm…

4. Quá trình cấy ghép tế bào gốc

4.1. Chuẩn bị trước khi tiến hành cấy ghép tế bào gốc

Để được cấy ghép tế bào gốc, bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm y tế cần thiết, hóa trị và xạ trị để tiêu diệt tế bào ác tính, đồng thời tìm một người hiến tặng phù hợp.

4.2. Thu hoạch tế bào gốc (trường hợp có người hiến tặng)

Một số bệnh nhân có thể hiến tặng tế bào gốc của chính họ, còn lại phải phụ thuộc vào sự hiến tặng của người thân hoặc người lạ. Lấy tủy xương đòi hỏi người hiến tặng phải gây mê sau đó sử dụng một cây kim mạnh để rút tủy từ xương hông. Quá trình này mất 1-2 giờ trong phòng phẫu thuật. Trong vài ngày trước khi hiến tặng tế bào gốc máu ngoại vi, những người hiến tặng sẽ chụp một loại thuốc đặc biệt để tăng lượng tế bào gốc trong máu. Sau đó, người hiến tặng được kết nối với một máy lọc tế bào gốc từ máu của người hiến tặng và trả lại phần còn lại.

4.3. Thực hiện cấy ghép tế bào gốc

  • Các bác sĩ tiêm vào các tế bào gốc vào máu qua đường tĩnh mạch và lan tỏa đến các khoang sinh máu ở tất cả các xương trong cơ thể trong khi bệnh nhân tỉnh. Quá trình này mất từ 1 đến 5 giờ.
  • Khi vào cơ thể các tế bào gốc này sẽ tăng sinh, phát triển thành các tế bào tạo máu mới, thay thế cho các tế bào vừa bị tiêu diệt bởi hóa chất/tia xạ (Thời gian này mất từ hai đến sáu tuần bệnh nhân vẫn nằm trong bệnh viện để được theo dõi chặt chẽ và có thể được tiêm các liều thuốc chống vi khuẩn, kháng nấm và kháng vi-rút để ngăn ngừa nhiễm trùng đe dọa tính mạng). Sau khi các tế bào gốc phát triển thành các tế bào tạo máu mới thì các triệu chứng thiếu máu, nhiễm trùng, xuất huyết do bệnh cũ cũng sẽ được cải thiện.
  • Trong ghép tế bào gốc do người hiến tặng điều trị các bệnh ác tính: Có hiệu ứng ghép chống khối u hay chống lơ-xê-mi. Đó là nhờ tế bào gốc vào cơ thể sẽ sinh ra các tế bào miễn dịch. Những tế bào này xem các tế bào ung thư như “kẻ thù” và hình thành nên các hiệu ứng miễn dịch để tiêu diệt chúng, giống như việc tiêu diệt các vi khuẩn/virus lạ thông thường trong cơ thể. Bởi vậy, các tế bào ung thư sẽ không phát triển được.

Có thể xảy ra vấn đề nếu các tế bào mới tấn công các tế bào của bệnh nhân hoặc hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tấn công các tế bào của người hiến tặng.

4.4. Quá trình phục hồi sau cấy ghép tế bào gốc của người bệnh

Sau khi rời bệnh viện, bệnh nhân cấy ghép có thể phải đối mặt với các cuộc kiểm tra hàng tháng hoặc hàng tuần. Họ có thể phải thực hiện nhiều cuộc kiểm tra như xét nghiệm máu, chụp X-quang ngực và xét nghiệm tủy xương. Bệnh nhân có thể phải truyền máu thường xuyên và uống thuốc kháng sinh. Họ cần được thăm khám y tế định kỳ trong thời gian một năm, cho đến khi hệ thống miễn dịch hoạt động tốt.

Một số người hiến tủy cũng cần thời gian phục hồi:

Những người hiến tặng thường phải đối mặt với tình trạng đau nhức ở hông trong vài ngày. Phải mất 4 đến 6 tuần để cơ thể họ thay thế các tế bào tủy được hiến tặng. Trong một số trường hợp hiếm hoi, người hiến tủy có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc biến chứng gây mê. Người hiến tế bào gốc ngoại vi có thể phải đối mặt với cục máu đông, các vấn đề liên quan đến ống thông và các tác dụng phụ từ các loại thuốc được cung cấp để tăng số lượng tế bào gốc ngoại vi.

Cần nhiều năm chăm sóc và theo dõi sau khi được cấy ghép tế bào gốc:

Cấy ghép có thể cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều người sống sót phải đối mặt với thách thức nhiều năm sau đó. Các vấn đề thường liên quan đến quá trình cấy ghép hoặc các loại thuốc được sử dụng trong quá trình cấy ghép. Chúng bao gồm: tổn thương cơ quan, thay đổi hormone, vô sinh, ảnh hưởng đến thần kinh và các bệnh ung thư khác. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cách để giảm thiểu những rủi ro này và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người sống sót sau ung thư máu nhờ cấy ghép tế bào gốc.

Như vậy, cấy ghép tế bào gốc là một phương pháp rất triển vọng trong điều trị nhiều bệnh ác tính. Hi vọng trong tương lai tới đây, nền y học phát triển hơn, cấy ghép tế bào gốc sẽ cứu sống thêm nhiều người bệnh, mang đến một tương lai tươi sáng hơn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.



Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 1900 232 389 (phím 0 để gọi Vinmec) hoặc đăng ký lịch khám tại viện TẠI ĐÂY. Nếu có nhu cầu tư vấn sức khỏe từ xa cùng bác sĩ Vinmec, quý khách đặt lịch tư vấn TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn

Nguồn tham khảo: webmd.com

Back to top button